Giỏ hàng mini

Hiện bạn không có sản phẩm nào trong giỏ hàng.
Vào giỏ hàng
Fanpage Facebook
Hỗ Trợ Trực Tuyến
Điện thoại

Văn phòng: 028 66 513 515

Hotline 01: 0932084688

Hotline 02: 0977675684

Sản Phẩm HOT
Video Giới Thiệu

Nguồn gốc, lịch sử phát triển Mô hình món ăn giả của Nhật Bản

Tại Nhật Bản, nhiều nhà hàng và quán ăn lớn có truyền thống trang trí các mô hình món ăn ở tủ trưng bày ngay cửa ra vào. Việc làm tác dụng mời gọi thực khách rất hiệu quả. Ngoài vẻ hấp dẫn chẳng khác gì món ăn thật, chúng cũng giúp thực khách lựa chọn thực đơn một cách dễ dàng.


Thức ăn giả ở Nhật Bản

Mô hình món ăn giả còn giúp cung cấp những thông tin cần thiết cho thực khách vì bên cạnh mỗi mô hình, người ta đặt một tấm bảng nhỏ ghi tên món ăn, thành phần nguyên liệu, gia vị tạo nên món ăn và giá của nó. Đây là hình thức quảng cáo gây ấn tượng mạnh cho thị giác và nó giúp khách hàng không bị đánh lừa bởi tên gọi của món ăn trên thực đơn vì họ được tận mắt nhìn thấy món ăn trước khi chúng được chế biến.

 

 

Xuất phát từ những lợi thế đó, nên tủ trưng bày món ăn giả là thứ không thể thiếu tại hầu hết các nhà hàng và quán ăn ở Nhật. Thế giới món ăn giả rất đa dạng, nó mô phỏng bất kỳ món ăn nào trong văn hóa ẩm thực phong phú của đất nước này.

 

Giá thành

Món ăn giả là bản sao của món ăn thật, nếu chỉ bằng thị giác, thực khách khó lòng phân biệt được đâu là đồ thật có thể ăn được và đâu là đồ giả. Yêu cầu của các chủ cửa hàng đặt ra cho nhà sản xuất là “thật giả khó phân” nên mỗi món ăn giả được họ chú trọng trau chuốt từng chi tiết, từ kích thước, màu sắc đến độ bóng trên nguyên liệu. Vì thế, giá thành của mỗi mô hình món ăn giả đắt gấp nhiều lần so với món ăn thật.

 

 

 

 

Nguồn gốc

 

Món ăn giả xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1926, do Iwasaki Takizo – một công dân cư ngụ tại Osaka nghĩ ra.

 

Ý tưởng tạo ra mô hình món ăn lóe lên trong đầu Iwasaki Takizo vào một đêm nọ khi ông đang canh chừng người vợ bệnh nặng. Lúc này, cuộc sống gia đình của Iwasaki rất khó khăn. Ngồi bên ánh nến trong tâm trạng rối bời vì không biết làm gì để có tiền trang trải mọi thứ, Iwasaki thấy sáp nến bị đốt nóng chảy dài, ông dùng ngón tay để hứng. Bị sáp nến kết dính vào tay, Iwasaki gỡ nó ra, ngay thời điểm đó, ông nhận thấy dấu vân tay của mình in trên miếng sáp.

 

Thấy lạ, Iwasaki tiếp tục thử bằng cách cho sáp chảy xuống mặt chiếu tatami, miếng sáp khi khô lại in dấu rõ ràng của đường gân chiếu. Iwasaki liền nghĩ tại sao mình không thử làm những mô hình món ăn từ sáp nến.

 

Iwasaki tìm đến những người làm tượng sáp và đồ vật bằng sáp để học hỏi kinh nghiệm từ họ. Sau khi đã có một số kiến thức cơ bản về cách làm, ông bắt đầu tự tay thực hiện những mô hình món ăn.

 

Nguyên liệu chính mà ông sử dụng là gelatin, thạch kanten và sáp. Mô hình món trứng chiên cuộn cơm – một món ăn truyền thống của người Nhật – đã chứng thực tài năng và tên tuổi của Iwasaki. Thành công của món trứng chiên cuộn cơm giả đã mang nhiều khách hàng đến cho Iwasaki.

 

 

Đó là bước chuyển lớn trong cuộc đời của Iwasaki cũng như trong nền ẩm thực Nhật Bản. Mô hình món ăn giả của ông trở thành một phần không thể thiếu tại các nhà hàng ở Osaka lúc bấy giờ.

 

Không dừng lại ở đó, chỉ 1 tháng sau khi ra mắt món trứng chiên cuộn cơm, sản phẩm của Iwasaki đã có mặt ở tủ trưng bày của các nhà hàng trên khắp nước Nhật.

 

 

Tất cả các mẫu đồ ăn giả đều được làm thủ công đến mức hoàn hảo và tinh tế. Không đơn thuần là một mô hình trông “có vẻ giống” mà chúng là những bản copy chính xác nhất, đến từng chi tiết, của từng loại đồ ăn. Thậm chí, nhiều người còn nhận xét, trông chúng còn hấp dẫn hơn cả món ăn thật. Chúng là thực đơn sống động nhất mà khách hàng được tận mắt nhìn thấy và chọn ra những món mà bản thân họ cho là hấp dẫn.

 

 

 

Năm 1932, Iwasaki Takizo thành lập công ty Iwasaki Be-I chuyên cung cấp các món ăn giả. Hiện nay, công ty này chiếm lĩnh khoảng 60% nhu cầu của thị trường nội địa.

 

Vào thập niên 1970, cùng với xu thế mới trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo của thế giới, công ty Iwasaki Be-I bắt đầu ứng dụng kỹ thuật và nguyên liệu cải tiến cho sản phẩm. Nhựa tổng hợp được đưa vào sử dụng và sau này là silicon để thay thế nguyên liệu truyền thống.

 

Qua nhiều thập niên và thường xuyên đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt trên thương trường, đến nay, Iwasaki Be-I vẫn là công ty sản xuất mẫu đồ ăn giả lớn nhất Nhật Bản.

 

 

 

 

 

 

Ứng dụng

 

Bên cạnh mục đích cơ bản là đại diện cho món ăn thật, món ăn giả còn là những tác phẩm nghệ thuật.

 

 

 

Món ăn giả là một trong những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Nhật và nó còn là ngành công nghiệp mang lại nguồn thu hàng tỷ yên mỗi năm. Gần đây, món ăn giả của Nhật được xuất khẩu ra nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và cả châu Âu và Mỹ để đáp ứng nhu cầu trưng bày tại các nhà hàng.

 

Đồ ăn giả ra đời và xuất hiện phổ biến ở các nhà hàng và quán ăn trên khắp nước Nhật từ những năm 1920. Vào thời điểm đó, Tokyo và Osaka là hai trung tâm đô thị lớn, thương mại phát triển cùng mật độ dân số đông đúc đã thúc đẩy dịch vụ ăn uống nở rộ.

 

Kinh tế tăng trưởng kéo theo lực lượng lao động hùng hậu. Giai đoạn này, ở Nhật bắt đầu xuất hiện cụm từ “Sararyman”, tức người làm công ăn lương, chỉ những nhân viên làm việc cho các công ty, tập đoàn. Đây cũng là lúc làn sóng người phương Tây cùng các món ăn của họ du nhập ồ ạt vào Nhật. Sararyman thường dùng bữa tại các nhà hàng, món Tây là thực đơn ưa thích của họ vì nó mới lạ và họ cho rằng, đó là cách để thể hiện lối sống hiện đại.

 

Những món Tây lạ lẫm đã khiến người Nhật rất khó khăn trong việc lựa chọn thực đơn. Trước thực tế này, các nhà hàng đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để thực khách có thể thấy được những món ăn trước lúc quyết định thực đơn khi mà nhiều người không ý thức được họ đang gọi cái gì.

 

 

Đồ ăn giả không đơn thuần là vật dụng dùng để trưng bày thay thế thực đơn giấy, người Nhật còn dùng nó vào nhiều mục đích khác.

 

Mô hình đồ ăn giả còn được dùng trong việc phân tích giá trị dinh dưỡng của thực phẩm dựa trên thông tin dinh dưỡng cụ thể của từng món ăn. Khách hàng chọn một số món ăn cho vào khay và đưa đến quầy phân tích. Tại đây, máy sẽ hiển thị thông số về chất đạm, chất khoáng và vitamin của từng món ăn để khách hàng nhận biết.

 

 

Bên cạnh đó, người ta còn ứng dụng mô hình đồ ăn giả trong những vật dụng nhỏ hàng ngày, đồ lưu niệm, ví dụ như: móc khoá, giá đặt kính, giá để điện thoại, những món đồ trang trí nho nhỏ…

 

 

 

 

Ngày nay, mô hình đồ ăn là một phần trong cuộc sống và văn hóa ẩm thực phong phú của Nhật Bản, nó thể hiện tính sáng tạo, sự khéo léo và tinh tế của người dân đất nước này.

Theo (mohinhpfs.com)

Bình luận
Sản Phẩm Mới